I. Nghị định của Chính phủ
Ngày 05/11/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định này quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá GDLK; quyền và nghĩa vụ của NNT trong xác định giá GDLK, thủ tục kê khai, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý thuế đối với NNT có GDLK.
Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 của NĐ quy định cụ thể gồm: Các GDLK thuộc phạm vi điều chỉnh của NĐ này là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua bán trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua bán, sử dụng nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020 và áp dụng kể từ kỳ tính thuế TNDN năm 2020. Các nghị định số 20/2017 và NĐ 68/2020 hết hiệu lực.
Các quy định chuyển tiếp về kê khai, quyết toán thuế TNDN năm 2017 và 2018 (tại NĐ 68/2020) được tiếp tục quy định tương tự tại Điều 22 của NĐ 132/2020.
Đối với chi phí lãi vay khi quyết toán thuế TNDN năm 2019 được chuyển sang kỳ tiếp theo theo quy định tại NĐ 68/2020, thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ kỳ tính thuế TNDN 2020. Sau 5 năm mà không chuyển hết thì không được chuyển sang các kỳ tính thuế tiếp theo.
Nghị định 132/2020 cũng ban hành các Phụ lục kèm theo gồm:
Phụ lục I: bản khai Thông tin về quan hệ liên kết và GDLK kèm bản Hướng dẫn kê khai một số chỉ tiêu;
Phụ lục II: bản khai Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ quốc gia
Phụ lục III: bản khai Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ toàn cầu
Phụ lục IV: Bản khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia kèm bản Hướng dẫn kê khai một số chỉ tiêu
II. Công văn hướng dẫn
1. Công văn số 4498/TCT-QLN ngày 23/10/2020 về không tính tiền chậm nộp
Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Thuận có hành vi khai sai dẫn đến thiếu và phát sinh chậm nộp đối với khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước năm 2018, ngày 11/10/2019 Cục Thuế tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính, để truy thu đủ số tiền thuế khai thiếu tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính; tuy nhiên ngày 19/10/2019, Công ty có văn bản đề nghị không tính tiền chậm nộp đối với khoản lợi nhuận sau thuế còn lại phải nộp tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp nếu Công ty thuộc đối tượng được không tính tiền chậm nộp theo quy định tại Điều 34a Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính nêu trên thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước năm 2018 nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán. Thời điểm không tính tiền chậm nộp kể từ ngày Công ty phải nộp khoản lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước năm 2018 (01/4/2019).
Trường hợp nếu cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) thì thực hiện điều chỉnh lại tiền chậm nộp cho người nộp thuế.
2. Công văn số 4517/TCT-CS ngày 23/10/2020 về chính sách thuế đối với chương trình hỗ trợ thuốc điều trị
Theo trình bày tại công văn của Công ty thì Công ty cổ phần dược liệu trung ương 2 và Công ty TNHH một thành viên dược liệu TW2 (gọi chung là “Phytopharma”) và Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam (Zuellig Việt Nam) có tham gia vào triển khai chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho bệnh nhân không thuộc khoản viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài theo Thông tư số 31/2018/TT-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế.
Các lô thuốc nhập khẩu và phân phối theo Chương trình không phải là hàng biếu, tặng cho Zuellig Việt Nam và Phytopharma, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Zuellig Việt Nam và Phytopharma chỉ đóng vai trò trung gian hỗ trợ thực hiện Chương trình. Zuellig Việt Nam và Phytopharma không thu tiền và không thu được lợi ích kinh tế nào.
- Về khấu trừ thuế GTGT: Thuế GTGT đầu vào của thuốc nhập khẩu theo Chương trình nêu trên không đủ điều kiện để kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại khoản 5 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính và khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.
- Về hóa đơn, chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường:
Trường hợp Zuellig Việt Nam và Phytopharma cần có hóa đơn để lưu thông hàng hóa tới người bệnh thì Zuellig Việt Nam và Phytopharma lập hóa đơn GTGT trên hóa đơn ghi rõ “Thuốc tài trợ, không thu tiền”, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
- Về thuế TNDN: Công ty không phải kê khai thuế TNDN đối với hoạt động nêu trên nếu không nhận được bất cứ khoản thu nhập và lợi ích kinh tế nào liên quan đến việc thực hiện chương trình tài trợ này.
3. Công văn số 4518/TCT-CS ngày 23/10/2020 về chính sách thuế
- Ngày 2/6/2017, Công ty TNHH Green Farm Asia (bên đi thuê) đã kí hợp đồng thuê trại chăn nuôi của Công ty với thời hạn 15 năm, trong đó Công ty (bên cho thuê) không trực tiếp chăn nuôi heo như Quyết định chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh cấp mà chỉ xây dựng nhà xưởng chăn nuôi rồi cho thuê lại theo như đề nghị của bên đi thuê.
Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn kinh tế xã hội khó khăn được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động.
Tuy nhiên, trường hợp dự án đầu tư không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
4. Công văn số 4554/TCT-DNL ngày 26/10/2020 về hướng dẫn thuế TNCN
Theo báo cáo của Cục Thuế TP Hà Nội, từ tháng 4/2020 trụ sở chính Tập đoàn Viettel thực hiện mô hình chi trả thu nhập tập trung cho người lao động làm việc trên địa bàn cả nước thay cho hình thức các chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn thực hiện chi trả thu nhập cho người lao động làm việc tại các địa phương. Với số lượng người lao động làm việc tại các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc của Tập đoàn ở các địa phương rất lớn, để thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện các thủ tục hành chính khi thực hiện quyết toán thuế, hoàn thuế TNCN đối với kỳ tính thuế từ năm 2019 trở về trước của người lao động làm việc tại Viettel trường hợp không ủy quyền quyết toán thuế qua cơ quan chi trả thu nhập, Tổng cục Thuế hướng dẫn như sau:
Đối với các hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế TNCN của kỳ tính thuế từ năm 2019 trở về trước, người lao động đã đăng ký giảm trừ gia cảnh tại chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc của Viettel tại các tỉnh, thành phố; chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc Viettel đã thực hiện chi trả thu nhập cho người lao động thì Cục Thuế các tỉnh, thành phố nơi người lao động làm việc tại chi nhánh, đơn vị hạch toán phụ thuộc Viettel thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ theo quy định đối với trường hợp người lao động không ủy quyền quyết toán thuế cho cơ quan chi trả thu nhập.
Đối với kỳ tính thuế từ năm 2020:
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và đang xây dựng thông tư hướng dẫn Luật, Nghị định Quản lý thuế. Khi Thông tư hướng dẫn Luật, Nghị định được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định và hướng dẫn tại Thông tư.
5. Công văn số 4585/TCT- KK ngày 28/10/2020 về xử lý hồ sơ hoàn tiền sử dụng đất
- Tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc tổ chức thu tiền sử dụng đất.
- Tại khoản 8 Điều 2 Nghị định 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định trình tự, thủ tục hoàn trả hoặc khấu trừ tiền sử dụng đất đã nộp hoặc tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả vào nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
- Tại Điều 4 Thông tư 139/2016/TT-BTC ngày 16/9/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hoàn trả lại hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư khi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và phương pháp xác định tiền sử dụng đất phải nộp khi người mua, thuê mua được phép bán lại nhà ở xã hội
Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp nếu dự án “Khu nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân, người lao động của công ty TNHH In Điện tử Minh Đức” thuộc diện miễn tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, thì thẩm quyền quyết định việc khấu trừ hoặc hoàn trả lại tiền sử dụng đất đã nộp của chủ đầu tư theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 139/2016/TT-BTC; Trình tự, thủ tục hoàn trả hoặc khấu trừ tiền sử dụng đất đã nộp của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thực hiện theo khoản 8 Điều 2 Nghị định 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ.
Cục thuế chịu trách nhiệm về việc xác định số tiền thuế GTGT được hoàn, số tiền sử dụng đất phải nộp bù trừ với số tiền thuế GTGT được hoàn, số tiền sử dụng đất được miễn đối với công ty TNHH In Điện tử Minh Đức theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
0 Nhận xét