Kính gởi các công văn mới:
1. Công văn số 283/TCT-DNL ngày 25/01/2019 về việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Trường hợp Công ty TNHH Thương mại vận tải Hải Phòng là thành viên đứng đầu liên doanh, được liên doanh ủy quyền mua than từ Công ty Farlin năng lượng và hàng hóa Fze để giao hàng và phát hành hóa đơn GTGT cho Ban Quản lý dự án nhiệt điện 3 thì hàng hóa do Công ty TNHH Thương mại vận tải Hải Phòng cung cấp cho Ban Quản lý dự án nhiệt điện 3 thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Việc công ty TNHH Thương mại vận tải Hải Phòng xuất hóa đơn GTGT cho Ban Quản lý dự án nhiệt điện 3 với dòng thuế suất gạch chéo là chưa phù hợp với quy định về thuế GTGT. Công ty phải lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định. Đối với thuế GTGT dầu vào phục vụ cho hoạt động kinh doanh nói trên Công ty TNHH Thương mại vận tải Hải Phòng được kê khai, khấu trừ nếu đáp ứng các điều kiện và nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT theo quy định.
2. Công văn số 284/TCT-DNL ngày 25/01/2019 về hóa đơn hoàn phí bảo hiểm
Trường hợp Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA hoàn trả phí bảo hiểm (một phần hoặc toàn bộ) cho khách hàng là tổ chức tham gia bảo hiểm thì khi hoàn trả phí bảo hiểm tổ chức tham gia bảo hiểm lập hóa đơn GTGT, trên hóa đơn ghi rõ số tiền phí bảo hiểm do công ty bảo hiểm hoàn trả, tiền thuế GTGT, lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Hóa đơn này là căn cứ để Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA điều chỉnh doanh số bán, số thuế GTGT đầu ra, tổ chức tham gia bảo hiểm điều chỉnh chi phí mua bảo hiểm, số thuế GTGT đã kê khai hoặc đã khấu trừ.
Đối với trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm là đối tượng không có hóa đơn GTGT, khi hoàn trả tiền phí bảo hiểm, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA và khách hàng tham gia bảo hiểm phải lập biên bản hoặc thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số tiền phí bảo hiểm được hoàn trả (không bao gồm thuế GTGT), số tiền thuế GTGT theo hóa đơn thu phí bảo hiểm mà Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA đã thu (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do hoàn trả phí bảo hiểm. Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA căn cứ biên bản và hóa đơn thu phí bảo hiểm để làm căn cứ điều chỉnh kê khai doanh thu. Trường hợp khách hàng không cưng cấp được hóa đơn thu phí bảo hiểm thì Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA căn cứ vào hóa đơn lưu tại Công ty và biên bản hoặc văn bản thỏa thuận để thực hiện hoàn trả số tiền phí bảo hiểm chưa bao gồm thuế GTGT.
3. Công văn số 310/TCT-DNL ngày 28/01/2019 về việc trả lời kiến nghị của các công ty chứng khoán về áp dụng Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20
- Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 quy định về chi phí lãi vay của người nộp thuế (NNT) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
“3. Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Quy định này không áp dụng đối với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.”
Căn cứ các quy định nêu trên, đối tượng áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 là NNT có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20, trừ trường hợp NNT là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm. Tổng chi phí lãi vay của NNT được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nhị định số 20 được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ giao dịch vay với bên liên kết hay bên độc lập.
Hiện tại, Tổng cục Thuế đang trong quá trình tiếp nhận, tổng hợp vướng mắc, kiến nghị của NNT liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 20 nói chung và quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 nói riêng để báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Trong thời gian báo cáo, đề nghị các đơn vị thực hiện xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo đúng quy định hiện hành.
4. Công văn số 336/TCT-CS ngày 29/01/2019 về việc kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì người bán phải lập hóa đơn giao cho người mua theo quy định.
Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN khi có hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định. Trường hợp, cơ sở kinh doanh không có hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định thì không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.
Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên và tình hình thực tế tại doanh nghiệp để hướng dẫn người bán, người mua thực hiện theo quy định.
5. Công văn số 337/TCT-CS ngày 29/01/2019 về việc xử lý thuế GTGT đầu vào của hàng hóa không phải kê khai tính nộp thuế GTGT
1. Trường hợp Công ty bán sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Thuế GTGT đầu vào sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT được kê khai, khấu trừ theo quy định tại khoản 11 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
2. Đối với số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong kỳ tính thuế, Công ty thực hiện khấu trừ vào kỳ tiếp theo theo quy định tại Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài Chính.
6. Công văn số 339/TCT-DNL ngày 29/01/2019 về việc hướng dẫn thực hiện hóa đơn diện tử
Trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP còn hiệu lực thi hành. Theo đó, trong thời gian nêu trên, trường hợp Bảo hiểm PVI đã đăng ký sử dụng và phát hành HĐĐT trước khi Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng, đơn vị có thể đồng thời tạo nhiều hình thức hóa đơn khác nhau (hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn điện tử) và phải thực hiện thông báo phát hành tàng hình thức hóa đơn theo quy định.
Về việc áp dụng HĐĐT theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP nêu trên, Bộ Tài chính đã có công văn số 14192/BTC-TCT ngày 15/11/2018, Tổng cục Thuế có công văn số 4311/TCT-CS ngày 05/11/2018 và công văn số 4763/TCT-CS ngày 29/11/2018 hướng dẫn.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/09/2018 của Chính phủ.
Trân trọng!
0 Nhận xét