1. Sửa quy định về khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN 

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 112/2015/NĐ-CP về thuế GTGT, thuế TNDN.

Theo đó, phần chi để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:

- Phần chi này không vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người (quy định hiện hành là 01 triệu đồng/tháng/người).

- Và phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng, mức hưởng tại một trong các hồ sơ: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty …

Ngoài ra, quy định mới cũng sửa đổi nội dung về đối tượng không chịu thuế GTGT (xem chi tiết tại Điều 1 Nghị định 146/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2018).

2. Đào tiền ảo bằng mã độc lây lan qua Facebook Messenger 

Ngày 19/12/2017, Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT ban hành Công văn 683/CATTT-TĐQLGS về biện pháp phòng, chống mã độc thông qua Facebook Messenger tại Việt Nam. Theo đó:

Mã độc này lây lan bằng cách gửi đi tập tin tên: video_xxx.zip, là một tập tin nén có chứa tập tin với định dạng mp4.exe, loại mã độc này khi lây nhiễm vào máy tính người dùng sẽ:

- Tự động tải và cài đặt một số tập tin độc hại: 7za.exe, files.7z từ trang web độc hại có tên miền yumuy.johet.bid (tên miền này có thể thay đổi).

- Sử dụng tập tin 7za.exe để giải nén tập tin file.7z, sau đó lấy tiện ích mở rộng (extension) độc hại và tự động cài đặt tiện ích mở rộng này vào trình duyệt Chrome.

- Không cho người dùng truy cập vào phần quản lý tiện ích mở rộng của trình duyệt.

Trong tập tin được giải nén có chứa các tập tin thực thi được cho là sử dụng nhằm mục đích lợi dụng tài nguyên máy tính người dùng để đào tiền ảo.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng không click vào những video hay đường link lạ, nhất là những video có địa chỉ như trên.

3. Thù lao khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).

Theo đó, Nghị định hướng dẫn chi tiết cách xác định thù lao của người làm trợ giúp pháp lý (TGPL) khi thực hiện các vụ việc TGPL. Cụ thể:

- Khi tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) thì được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là: 

+ 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc;

+ Tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (theo hình thức khoán chi vụ việc).

- Khi đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm thì được hưởng thù lao là: 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc.

- Tư vấn pháp luật theo phân công của Lãnh đạo Trung tâm, luật sư thì được hưởng thù lao từ 0,08 – 0,15 mức lương cơ sở/01 văn bản tư vấn pháp luật tùy mức phức tạp và nội dung vụ việc.

4. Quy định về thẩm quyền ký văn bản tố tụng, hành chính

Đây là một nội dung được đề cập tại Quyết định 505/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Theo đó ban hành Phụ lục quy định về: thẩm quyền ký, ký thay, ký thừa lệnh, ký thừa ủy quyền văn bản tố tụng, văn bản hành chính - tư pháp trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự.

Ngoài ra, Quyết định 505 cũng ban hành Quy chế công tác và 35 mẫu văn bản thực hiện trong giai đoạn thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự.